Hiệu quả Kế_hoạch_Marshall

Bích chương cổ động Kế hoạch Marshall tại châu Âu. Lá cờ xanh nước biển/trắng ở giữa cờ Đức và Ý là phiên bản lá cờ Trieste.

Ban đầu, người ta dự tính sẽ kết thúc Kế hoạch Marshall vào năm 1953. Nỗ lực nhằm gia hạn kế hoạch này bị ngưng lại do phí tổn ngày càng gia tăng của cuộc Chiến tranh Triều Tiên và quá trình tái vũ trang. Các thành viên Đảng Cộng hòa Mỹ phản đối kế hoạch này cũng thắng cử trong cuộc bầu bầu cử Quốc hội Mỹ năm 1950, và sự phản đối của phe bảo thủ với kế hoạch này lại được khơi lại. Vì vậy, chương trình này chấm dứt vào năm 1951, dù viện trợ của Mỹ dưới nhiều hình thức khác nhau tiếp tục tồn tại sau đó.

Trong những năm từ 1948 cho tới 1952, châu Âu phát triển nhanh chưa từng thấy. Sản lượng công nghiệp tăng 35%. Sản xuất nông nghiệp vượt đáng kể so với mức trước chiến tranh.[33] Tình trạng nghèo đói cùng cực ngay sau khi chiến tranh biến mất. châu Âu bước vào một thời kỳ tăng trưởng chưa từng có kéo dài đến hai thập kỷ, cho phép chất lượng cuộc sống được cải thiện không ngờ. Giữa các sử gia có nhiều cuộc tranh luận diễn ra về việc có bao nhiêu phần của thành tích này là do Kế hoạch Marshall. Phần lớn trong số họ bác bỏ ý kiến rằng kế hoạch này là thành tố thần diệu duy nhất giúp khôi phục châu Âu, vì có nhiều bằng chứng cho thấy sự hồi phục nói chung đã tự bắt đầu. Phần lớn trong số họ cho là Kế hoạch Marshall chỉ tăng tốc sự hồi phục, chứ không khởi xướng quá trình đó.

Ảnh hưởng chính trị của Kế hoạch Marshall có lẽ cũng quan trọng không kém ảnh hưởng kinh tế. Viện trợ từ Kế hoạch Marshall giúp các quốc gia Tây Âu nới lỏng các biện pháp khắc khổ và chế độ phân phối, giảm thiểu bất mãn và mang lại ổn định chính trị. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản tại Tây Âu bị giảm sút mạnh mẽ, trên toàn khu vực, các đảng cộng sản mất dần sự ủng hộ của dân chúng trong những năm tiếp theo của Kế hoạch Marshall. Các mối quan hệ thương mại được gây dựng bởi chương trình này giúp dựng lên Liên minh Bắc Đại Tây Dương, tồn tại suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cùng lúc, việc các quốc gia Đông Âu không tham dự chương trình này cũng cho thấy các dấu hiệu rõ rệt đầu tiên về sự phân liệt tại châu Âu.

Kế hoạch Marshall cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hòa nhập châu Âu. Cả các nhà lãnh đạo Mỹ và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu tin rằng sự hòa nhập là cần thiết để đảm bảo cho hòa bình và phồn vinh của châu Âu, và sử dụng Kế hoạch Marshall như một nguyên tắc chỉ đạo để khuyến khích sự hòa nhập. Trong một chừng mực nào đó, nỗ lực này thất bại, và OEEC chưa bao giờ vươn lên ngoài tầm một tổ chức hợp tác kinh tế. Thay vào đó, Cộng đồng Than Thép châu Âu, đáng lưu ý là không bao gồm Anh, lại lớn mạnh để trở thành Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, OEEC đóng vai trò thử nghiệm và chuẩn bị cho cấu trúc và bộ máy quan chức sau này của Tổ chức kinh tế châu Âu EEC. Kế hoạch Marshall, gắn liền với hệ thống tiền tệ mang tên Bretton Woods, cũng đảm bảo tự do thương mại trên toàn Âu châu.

Trong khi một số sử gia ngày nay cảm thấy việc ca ngợi chương trình này có phần thái quá, thì người ta vẫn nhìn nhận nó một cách tích cực, và nhiều người cho rằng một chương trình tương tự có thể sẽ có ích cho nhiều khu vực khác trên thế giới. Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, có một số đề nghị về "Kế hoạch Marshall cho Đông Âu" để khôi phục khu vực này. Những người khác thì đề nghị một Kế hoạch Marshall cho châu Phi, và Phó Tổng thống Mỹ Al Gore thì đề xuất Kế hoạch Marshall toàn cầu.[36] Cụm từ "Kế hoạch Marshall" đã trở thành một phép ẩn dụ cho bất kỳ một chương trình tầm cỡ quốc gia nhằm giải quyết một vấn đề xã hội nhất định. Nó thường được sử dụng khi nói việc chính phủ bỏ tiền ra để cứu cho một thất bại trong khu vực tư nhân.

Nền kinh tế Tây Đức phục hồi một phần là nhờ vào viện trợ kinh tế từ Kế hoạch Marshall, nhưng phần lớn là nhờ vào cuộc cải cách tiền tệ năm 1948 thay thế đồng Reichsmark bằng đồng mark, chặn đứng nạn lạm phát leo thang. Hành động củng cố nền kinh tế Đức này vốn bị tuyệt đối ngăn cấm trong khoảng thời gian hai năm mà chỉ thị JCS 1067 (của phe Đồng Minh chiếm đóng Tây Đức) có hiệu lực. Quá trình giải thể công nghiệp than và thép của Tây Đức do phe Đồng Minh thực hiện cuối cùng cũng chấm dứt vào năm 1951. Như vậy, Kế hoạch Marshall chỉ là một trong số nhiều thành tố đằng sau sự phục hồi kinh tế Đức.[37][38] Dù vậy, tại Đức huyền thoại về Kế hoạch Marshall vẫn còn được lưu truyền. Theo cuốn Marshall Plan 1947–1997 A German View bởi Susan Stern, nhiều người Đức vẫn còn tin là nước Đức là quốc gia duy nhất hưởng lợi từ chương trình này, rằng nó bao gồm những khoản viện trợ cho không gồm những món tiền lớn, rằng chương trình này là chương trình độc nhất mang lại sự phục hồi kinh tế nước Đức trong thập niên 1950.[38]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kế_hoạch_Marshall http://www.cnn.com/SPECIALS/cold.war/episodes/03/d... http://www.commentarymagazine.com/Summaries/V89I1P... http://news.enquirer.com/apps/pbcs.dll/article?AID... http://books.google.com/books?id=WDgBBzWQ2DAC&pg=P... http://www.nationsencyclopedia.com/Europe/Finland-... http://www.time.com/time/archive/preview/0,10987,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9...